Nhân Ngày An toàn mạng thế giới (8-2), Google đã chia sẻ những cách thức mà người dùng internet có thể kiểm tra độ an toàn cho tài khoản của mình, đồng thời chỉ ra những “bí quyết” tránh bị lừa đảo trực tuyến.
Ở xu hướng “Một Năm Tìm Kiếm 2021” cho thấy, mọi người quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn trực tuyến và các vấn đề liên quan đến bảo mật cũng gia tăng. Cụ thể, các tìm kiếm về gian lận và lừa đảo đã tăng lên tới 35% ở Ấn Độ, Việt Nam, lãnh thổ Đài Loan, Pakistan, Singapore, Malaysia và Úc; các tìm kiếm liên quan đến quyền riêng tư và vi phạm dữ liệu đã tăng hơn 20% khắp Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Úc…
Google cho hay, ý thức nâng cao độ bảo mật cho tài khoản của người dùng đã tăng cao trong năm qua khi nhu cầu làm việc và học tập trực tuyến tăng mạnh, kéo theo làn sóng lừa đảo trực tuyến, tấn công tài khoản bùng nổ. Một phần của biểu hiện nâng cao độ bảo mật cho tài khoản là ở năm qua, Google đã ghi nhận 150 triệu lượt đăng ký tự động tính năng xác minh 2 bước, đã giúp giảm thiểu 50% số tài khoản bị xâm nhập.
Xác minh 2 bước là phương thức gia tăng thêm một lớp bảo mật bên cạnh mật khẩu (password). Mỗi khi đăng nhập vào tài khoản, người dùng cần nhập mật khẩu (bước 1) và mã ngẫu nhiên (bước 2) cài đặt qua tin nhắn SMS hoặc ứng dụng Google Authenticator. Vì vậy, trường hợp vô tình lộ mật khẩu thì kẻ gian cũng không thể đăng nhập trái phép vào tài khoản do thiếu mã ngẫu nhiên là lớp bảo vệ thứ hai.
Google cũng cung cấp những công cụ mở rộng trong trường hợp người dùng cần nâng cấp các lớp bảo mật. Bài Kiểm tra Bảo mật (Security Checkup) là bước đầu tiên và dễ dàng nhất, cung cấp cho người dùng những đề xuất bảo mật cá nhân hóa và hữu dụng giúp họ tăng cường bảo mật cho tài khoản Google của mình. Chỉ mất khoảng 2 phút để hoàn thành. Thực hiện kiểm tra bảo mật giúp người dùng an toàn hơn khi sử dụng các dịch vụ của Google.
Vào Ngày An toàn mạng thế giới năm nay, Google cũng đưa ra các quy tắc vàng, gồm: Bình tĩnh; Kiểm tra thông tin nhận; Hãy khoan gửi đi. Ở nguyên tắc “Bình tĩnh”, người dùng nên dành thời gian đặt câu hỏi về vấn đề bạn đang gặp phải để tránh bị dồn vào tình huống ra quyết định gấp, dẫn đến sai lầm… do những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để có thể vượt qua khả năng nhận định của người dùng. Với nguyên tắc “Kiểm tra thông tin bạn nhận được”, Google chỉ ra, nếu nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy gác máy; nếu nhận được một email lạ, thay vì nhấp vào liên kết được gửi kèm, người dùng nên truy cập trực tiếp vào trang web chính chủ…
Người dùng internet cũng nên chú ý đến những cảnh báo tự động từ hệ thống Google. Tập đoàn công nghệ này sử dụng AI phân tích các mẫu trong hàng tỷ Gmail để xác định các đặc điểm của email bị đánh dấu là spam và sử dụng các điểm đánh dấu đó để chặn 99,9% email đáng ngờ hoặc nguy hiểm trước khi chúng tìm đến người dùng. Hay với tính năng duyệt web an toàn, tính năng hiển thị các thông báo cảnh báo cho người dùng khi trang web mà người dùng đang cố gắng truy cập có thể không an toàn, qua đó giúp bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng khỏi phần mềm độc hại tiềm ẩn và các âm mưu lừa đảo.
TẤN BA. https://www.sggp.org.vn/