Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bằng con đường tự học, tự đào tạo, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kết tinh được vốn văn hóa đông tây kim cổ, có hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực và tầm nhìn vượt thời đại. Chính cuộc đời tự học của Người là một di sản vô cùng quý giá, một tấm gương để chúng ta học tập.
Được mời dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản năm 1935 với bí danh là Lin, khi khai lý lịch về mục trình độ học vấn, Người ghi: Tự học. Trả lời câu hỏi: Biết những ngoại ngữ nào? Người ghi: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga... Theo các nhà nghiên cứu, bằng con đường tự học, Hồ Chí Minh biết và sử dụng rất nhiều ngoại ngữ.
Nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp ở Việt Nam ngày 1/9/1961, Người bộc bạch: “Nhân dịp này, tôi muốn nói chuyện tóm tắt tình hình của thế hệ thanh niên già ở Việt Nam 16 năm về trước. Hãy lấy tôi làm thí dụ: Về văn hóa, tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân và phong kiến kìm hãm việc giáo dục. Chỉ có một số con em những nhà quyền thế và giàu có mới học lên đến trung học, và rất ít đến đại học... Về hiểu biết phổ thông, năm 17 tuổi tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, năm 29 tuổi mới nghe radio lần đầu tiên...”. Lấy bản thân mình để minh chứng dưới chế độ cũ các quyền của con người đều bị bóp nghẹt, Bác muốn khẳng định trong chế độ mới, thanh niên được tạo điều kiện về học hành và thực hiện những điều mà loài người hằng mơ ước.
Năm 1961, khi về thăm quê, nói chuyện với cán bộ, đảng viên tỉnh Nghệ An hoạt động lâu năm, trong không khí thân tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thổ lộ: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người khuyên phải lấy tự học làm cốt và nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Người từng nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tiễn. Không có ai tự cho mình đã biết đủ rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.
Tự học là một công việc mang tính tự giác cao, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, ý chí và sự kiên trì. Theo Hồ Chí Minh, học hỏi phải có phương pháp, học mà không hỏi thì không hiểu sâu vấn đề, hỏi mà không học thì không thể có suy nghĩ độc lập được.
Về cách tự học, Bác kể: “Một là học trong đời sống của mình. Hai là học ở giai cấp công nhân... Kinh nghiệm 40 năm của tôi là không sợ khó. Có quyết tâm, không biết thì phải cố gắng học, mà có cố gắng học thì nhất định học được”.
Không thể kể hết những câu chuyện về tấm gương tự học, tự đào tạo của Hồ Chí Minh để vươn tới đỉnh cao tri thức và hoàn thiện nhân cách. Chỉ xin kể câu chuyện về học viết báo của Người lúc còn trẻ.
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành sang Pháp, bắt đầu tìm đường cứu nước. Sau 6 năm bôn ba khắp nơi, năm 1917, Người trở lại Pháp. Với vốn tiếng Pháp ít ỏi, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành phải vất vả vừa tìm việc để mưu sinh, vừa tranh thủ học tiếng Pháp và học viết báo. Người thầy đầu tiên dạy Nguyễn Tất Thành viết báo là Jean Laurent Frederick Longuet, Chủ nhiệm báo Populaire (Dân chúng), cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp. Người thầy thứ hai là Maccel Cachin, Chủ bút báo Humanite (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Người thứ ba có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Nguyễn Tất Thành là Gaston Monmousseau, Chủ bút báo La Vie d’Ouvriers (Đời sống thợ thuyền). Ông đã chỉ cho chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cách viết các mẩu tin ngắn để đăng trên mục “Tin tức vắn” của báo. Khi đã viết được các mẩu tin, ông khuyến khích viết bài để gửi các báo. Những bài báo đầu tiên với bút danh Nguyễn Ái Quốc được đăng trên các tờ báo tiến bộ ở Pháp năm 1919 là: “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ” và “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Chính những bài báo này với thực tế sinh động và lý luận sắc sảo đã gây được sự chú ý đối với những người thật sự quan tâm đến chính trị ở xứ thuộc địa An Nam.
Viết báo để truyền bá tư tưởng yêu nước, đòi quyền tự do, bình đẳng cho người lao động, đòi quyền độc lập, tự quyết cho các nước thuộc địa là việc không dễ. Để viết được những bài báo bằng ngôn ngữ Pháp có tính thuyết phục, hằng ngày khi đi làm, Nguyễn Ái Quốc tranh thủ ghé thư viện để đọc báo, học cách thể hiện nội dung các bài báo hay, rồi cẩn thận chép vào sổ tay những từ mới để có thêm vốn tiếng Pháp. Sau này, khi đã là lãnh tụ của nước Việt Nam độc lập, là nhà báo lớn, Bác còn nhắc lại trong đời Bác có ba lần vui sướng nhất, lần đầu tiên là được báo đăng mẩu tin chỉ 3 dòng, lần thứ hai là được đăng truyện ngắn trên báo Humanite (Nhân đạo) Pháp và lần thứ ba là bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 được Chính phủ lâm thời góp ý thông qua.
Học làm báo, trở thành nhà báo, người tổ chức các công việc của cơ quan báo chí từ phóng viên, biên tập, chủ bút đến phát hành báo và đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhưng Hồ Chí Minh rất khiêm tốn, xem việc tự học và học tập suốt đời là phương châm sống, làm việc của mình. Người nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em sửa giùm”. Theo Bác, khi đọc bản thảo bài báo cho anh em nghe, góp ý tức là đã học quần chúng, hiểu được tâm lý quần chúng muốn gì, đòi hỏi gì ở báo chí. Nếu báo chí nói những điều quá cao siêu, không thực tế, thì chắc chắn quần chúng sẽ quay lưng lại.
Tư tưởng “lấy sự học làm cốt” và học tập suốt đời của Bác để tiếp cận tri thức, hoàn thiện nhân cách, trở thành người có ích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là bài học quý giá để mỗi chúng ta học tập, làm theo.
THANH TÁNH
Nguồn: Báo Quảng Ngãi