Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân việt Nam 14/10/1930 - 14/10/2024.
Vào đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt ruộng đất của nông dân, áp bức bóc lột nhân dân đến tận cùng của sự khổ cực, phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, chống sưu cao thuế nặng bùng nổ ở khắp nơi nhưng còn mang tính tự phát chưa đem lại hiệu quả. Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: "Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến"; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh "Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng".
Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất. Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10 năm 1930 tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, Luận cương nêu rõ: "Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở đông Dương (hơn 90 phần trăm), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền". Luận cương vạch rõ: "Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày để tranh đấu và bênh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để thì mới giành quyền lãnh đạo dân cày được".
Tại Hội nghị quan trọng này đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích nhằm "Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa". Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: "Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên".Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam.
Ngay sau khi được thành lập hội nông dân Việt Nam đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân hướng theo sự lãnh đạo của đảng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt mà đỉnh cao đó là sự thành công của cách mạng tháng 8/1945 đưa đất nước ta trở thành nước độc lập.
Đất nước vừa độc lập, dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện lời kêu gọi "kháng chiến, kiến quốc" của Hồ Chủ Tịch hàng vạn thanh niên Nông thôn hai miền Nam - Bắc đã lên đường tòng quân giết giặc, hàng chục triệu nông dân đã đóng góp sức người, sức của với phương châm: "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", phục vụ tiền tuyến góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (5/1954) "lừng lẫy năm Châu, chấn động Địa cầu".
Thắng Pháp xong dân tộc ta vẫn chưa được độc lập tự do bởi chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh "chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, không có gì quý hơn độc lập, tự do". Hàng triệu thanh niên nông thôn 2 miền Bắc - Nam gia nhập lực lượng vũ trang, quyết chiến đấu, xả thân vì Tổ Quốc, hàng chục triệu nông dân với khẩu hiệu vững tay cày, chắc tay súng. Cuốc cày là vũ khí, Nhà nông là chiến sỹ "thi đua lao động sản xuất - vì Miền Nam được giải phóng" đã cùng cả nước dành thắng lợi huy hoàng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
94 năm qua Hội nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Từ Nông hội đỏ 1930-1931, Hội tương tế ái hữu 1931-1935, Hội nông dân phản đế 1936, Hội nông dân cứu quốc 1941. Do hoàn cảnh đặc biệt của nước ta năm 1961-1979 ở Miền Nam có tổ chức Hội nông dân giải phóng Miền Nam Việt Nam, ở Miền Bắc từ tháng 9/1974 có tổ chức Hội nông dân tập thể. Từ tháng 9/1979 Hội nông dân cả nước mang tên Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Từ tháng 3/1988 Ban Bí thư TW Đảng quyết định đổi tên Hội Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Mặc dù ở bất kỳ giai đoạn nào với tên gọi khác nhau. Song tổ chức chính trị của giai cấp nông dân luôn thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình trong việc tập hợp, động viên giai cấp nông dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Nông dân Việt Nam họp tháng 3/1988 tại Hà Nội là mốc son đánh dấu sự phát triển của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Sau hơn 30 năm củng cố xây dựng và trưởng thành. Đến nay đã tổ chức thành công 8 kỳ Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam có trên 10 triệu hội viên. Tổ chức Hội đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trong suốt 94 năm qua hội nông dân Việt Nam đã không ngừng được cũng cố và phát triển, Hiện nay giai cấp nông dân nước ta chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Đây là giai cấp có tiềm năng to lớn của đất nước. Đặc biệt là tiềm năng về lao động, con người, nông dân không chỉ là lực lượng lao động hùng hậu, có vai trò quyết định mà còn là lực lượng cách mạng to lớn, góp phần quan trọng vào sự thành bại trong bước tiến chung của cả dân tộc./