Liên kết website :

Số người truy cập: 127583
Đang online: 278
[ Đăng ngày: 09/12/2024 ]

ĐỒNG CHÍ TÔN ĐỨC THẮNG

NGƯỜI LÃNH TỤ KÍNH MẾN CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

Đồng chí Tôn Đức Thắng, một nhà yêu nước vĩ đại, người chiến sĩ cộng sản kiên cường mẫu mực, lãnh tụ kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam nói chung, các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng học tập, noi theo.

Vào thời điểm thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1924), giai cấp công nhân nước ta đang trong quá trình hình thành. Năm 1906, đồng chí Tôn Đức Thắng đến Sài Gòn học nghề, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc đời người thợ. Năm 1910, đồng chí vào làm thợ ở xưởng Kroff thuộc Sở Kiến trúc cầu đường và nhà cửa ở Sài Gòn. Do có tay nghề giỏi, nên khi làm thợ, đồng chí thường được cử đi sửa chữa máy móc ở nhiều nơi, có khi vào xưởng Ba Son, khi thì vào trường Bách nghệ, đã tạo cho đồng chí có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với nhiều đối tượng công nhân. Đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ thuộc thế hệ những công nhân đầu tiên, thế hệ những công nhân giỏi về chuyên môn nghề nghiệp mà còn là người công nhân có lòng yêu nước nồng nàn, có khát vọng đấu tranh cách mạng.

Ngay từ khi đang học trường nghề (năm 1909), đồng chí đã vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học, đấu tranh chống bắt làm việc nhiều, ăn khổ, chống chế độ bắt lính. Năm 1910, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân kiến trúc cầu đường, cùng với một số anh em tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của học sinh trường Bách nghệ, đòi tăng lương, chống đánh đập, cúp phạt, tổ chức các Hội Ái hữu (năm 1912). Năm 1916, khi bị động viên vào làm thợ máy cho hải quân Pháp trong những năm tháng sống ở Pháp và tham gia phong trào đấu tranh của thủy thủ Pháp, đồng chí đã ý thức được sức mạnh của giai cấp công nhân nếu họ được tổ chức. Từ những kinh nghiệm tích lũy được khi tham gia tổ chức hoạt động công đoàn ở thành phố Toulon (miền Nam nước Pháp), khi trở về Sài Gòn, đồng chí đã sớm nhận thấy cần phải tổ chức ra Công hội nhằm tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ, vận động công nhân thành tổ chức để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi độc lập dân tộc. Người thợ Tôn Đức Thắng đã tích cực vận động thành lập Công hội, đã cùng với một số anh em lập xưởng sửa chữa xe hơi ở Phú Nhuận để làm nơi gặp gỡ, tuyên truyền vận động, tập hợp anh em công nhân, đồng thời để có thêm chi phí cho Công hội bí mật hoạt động. Vào năm 1920, Công hội cách mạng bí mật đầu tiên ở Nam bộ (Sài Gòn - Gia Định) được thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng là Hội trưởng.  

Trong quá trình lãnh đạo Công hội bí mật, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chủ động bắt liên lạc với một số đồng chí trong tổ chức Việt Nam Thanh niên, đã tự nguyện gia nhập và giới thiệu các đồng chí trong nhóm trung kiên cùng gia nhập tổ chức này. Đồng thời, trực tiếp bồi dưỡng, phát hiện, giới thiệu và đưa nhiều thanh niên công nhân có tâm huyết sang Quảng Châu học tập, để trở về hoạt động trong phong trào công nhân. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và sớm chuẩn bị những điều kiện cho công nhân thợ thuyền Ba Son dễ dàng tiếp thu những quan điểm, tư tưởng mới, tạo cơ sở, nền tảng cho công nhân nâng cao giác ngộ cách mạng.

Sự ra đời của Công hội bí mật đầu tiên ở nước ta đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, thời kỳ giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn đấu tranh từ tự phát sang tự giác, từng bước đưa giai cấp công nhân Việt Nam lên vũ đài chính trị và trở thành lực lượng chính trị độc lập, mở đầu cho giai đoạn đấu tranh mới, giai đoạn đấu tranh có tổ chức.

Từ thực tiễn vận động thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật hoạt động, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng vào việc đặt cơ sở, nền móng cho lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn Việt Nam hiện nay. Không chỉ vậy, đồng chí còn là một trong những người đầu tiên nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản và trực tiếp có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng quan hệ đoàn kết giữa giai cấp công nhân Việt Nam với giai cấp công nhân các nước trên thế giới. Khi bị chính quyền thực dân động viên vào đội lính thợ phục vụ cho quân đội Pháp tại xưởng Áenal de Toulon (miền Nam nước Pháp), đồng chí đã tự nguyện gia nhập Nghiệp vụ công nhân Pháp, cùng làm việc với những người lao động Pháp và lao động các nước thuộc địa, thuộc các màu da, dân tộc khác nhau, nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống lao động, tích cực vận động anh em thủy thủ, thợ máy Pháp và các nước thuộc địa đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử giữa sĩ quan và binh lính trong quân đội Pháp. Tháng 4/1919, đồng chí đã dũng cảm cùng anh em thủy thủ trên chiến hạm của Pháp đứng lên phản chiến, chính đồng chí là người đã kéo lá cờ đỏ treo trên chiến hạm France để chào mừng nước Nga Xô Viết. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các dân tộc Pháp, Nga và nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng.

Tháng 8/1923, đồng chí đã lãnh đạo cuộc bãi công của gần một nghìn công nhân Ba Son ngăn cản chuyến đi của chiến hạm Michelet sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Ngày 23/7/1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị tòa kết án tù 20 năm và bị đày đi Côn Đảo. Ngay sau khi đến nhà tù Côn đảo, đồng chí đã cùng với những người cộng sản trung kiên sáng lập ra “Hội những người tù đỏ” làm hạt nhân lãnh đạo khối tù; tham gia cùng các đồng chí trong chi ủy của nhà tù xuất bản tờ báo “Ý kiến chung”. Đến đầu năm 1935, đồng chí lại tham gia cho ra đời tạp chí “Tiến lên” để làm phương tiện tuyên truyền chỉ đạo, hướng dẫn những người cộng sản trong nhà tù đấu tranh. Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ngay sau khi ra khỏi nhà tù, vừa đặt chân đến đất liền, đồng chí lại tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Ở đồng chí Tôn Đức Thắng, dù làm gì, ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì đồng chí vẫn luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho quyền lợi của nhân dân. Đồng chí còn là một trong những người đầu tiên tích cực vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm của phong trào công nhân quốc tế vào xây dựng phong trào công nhân Việt Nam và có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất thân từ công nhân…

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2023), ôn lại những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam, nhằm tiếp tục khẳng định phẩm chất đạo đức, ý chí phấn đấu bền bỉ, kiên cường của người công nhân, người chiến sĩ, người lãnh đạo tôn kính của giai cấp công nhân Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng mãi là tấm gương sáng, là hình mẫu cho các thế hệ công nhân Việt Nam phấn đấu, rèn luyện và noi theo./.

Tài liệu tham khảo:

1.      Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980) / Sở Văn hóa và Thông tin An Giang. - An Giang : [Knxb , 1988. 351 tr. : ảnh chân dung, hình ảnh ; 19 cm.

2.      Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930 / Phạm Dương Mỹ Thu Huyền. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2018. 153 tr. : 10 tr. ảnh : bảng ; 21 cm.

3.      Người thợ máy Tôn Đức Thắng / Lê Minh. - H. : Thanh niên, 2004. 378 tr. ; 19 cm.

 




CÁC TIN KHÁC

THƯ VIỆN THÀNH PHỐ TÂN UYÊN

Địa chỉ : KP 4, Phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, Bình Dương

Số điện thoại: 0274 3641.110

Email: thuvientanuyen@gmail.com. Website: http://thuvientanuyen.vn