Quyển sách “Những vấn đề tâm lý – xã hội của người cao tuổi Việt Nam” do PGS.TS Hoàng Mộc Lan chủ biên, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2015. Quyển sách là một công trình biên soạn công phu, rất hữu ích đối với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu về người cao tuổi ở Việt Nam.
Nội dung quyển sách sẽ giới thiệu đến bạn đọc 3 chương
Chương mở đầu “Một số cơ sở lý luận và thực tiễn nghiên cứu vấn đề tâm lý – xã hội của người cao tuổi Việt Nam”: Với chương này, bạn đọc sẽ tham khảo phần tổng quan tình hình nghiên cứu, các quan niệm và bối cảnh về tâm lý – xã hội của người cao tuổi; trong đó có đề cập đến những chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi thông qua các hình thức, như: Hoạt động trợ giúp người cao tuổi tại nhà; trung tâm chăm sóc ban ngày; trung tâm người cao tuổi hay khu gia cư dành cho người cao tuổi; nhà dưỡng lão; hoạt động trợ giúp y tế, xã hội.
Chương hai “Kết quả nghiên cứu thực trạng về những vấn đề tâm lý – xã hội của người cao tuổi Việt Nam”. Mở đầu nội dung chương sẽ đề cập đến nhận thức về bản thân của người cao tuổi, bởi những tác động từ việc thay đổi môi trường sống, cùng các mối quan hệ xung quanh.
Vấn đề đặc điểm nhân cách và mức độ thay đổi từ sự nhìn nhận, đánh giá và ứng xử khác nhau trong giai đoạn tuổi già cũng được phân loại khá rõ, như: nhân cách tiến thủ, nhân cách yên phận, nhân cách phòng vệ, nhân cách phẫn nộ và công kích, tự trách mình hoặc u sầu. Đối với sức khỏe tâm lý là điều rất quan trọng, quyết định chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Vì vậy, chúng ta cần phải phòng ngừa những yếu tố sau: Biểu hiện lo âu; trầm cảm; năng lực kiểm soát hành vi và cảm xúc; cảm xúc tích cực; các mối liên hệ cảm xúc; sự hài lòng đối với cuộc sống; khỏe mạnh và nguy cơ về sức khỏe tâm lý. Các hoạt động của người cao tuổi về lao động xã hội, chăm sóc gia đình hay vui chơi giải trí cũng được giới thiệu khá rõ trong nội dung của chương này.
Chương cuối “Giải pháp trợ giúp và phát huy vai trò của người cao tuổi tại cộng đồng”. Nội dung của chương này sẽ nêu ra một số giải pháp nhằm tìm sự cân bằng tâm lý – xã hội, qua đó phát huy vai trò người cao tuổi hiện nay được thể hiện cụ thể: tại các cơ sở tư vấn tâm lý, chăm sóc và nuôi dưỡng; tại gia đình; tại cộng đồng.
Trân trọng giới thiệu, mời quý vị và các bạn cùng tìm đọc