Bài viết “Cách mạng tháng Tám trong cảm xúc của văn nghệ sĩ” của tác giả Lê Thị Bích Hồng đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do; kỷ nguyên chấm dứt ách áp bức, thống trị của thực dân, đế quốc. Một chân trời mới, hào quang chói lọi đã đến với dân tộc Việt Nam sau hơn 80 năm cả dân tộc đồng sức, đồng lòng, bền bỉ đấu tranh, đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ, công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, các văn nghệ sĩ đã kịp thời thể hiện nguồn cảm hứng trân trọng, tự hào đó trong sáng tác nghệ thuật (thơ-nhạc)…
Hát vang thu hoa vàng nắng Ba Đình
Không khí cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công đã thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lăng. Cả dân tộc hân hoan đón chào sự kiện thiêng liêng. Từ sự kiện đã truyền vào văn nghệ sĩ những cảm xúc mới mẻ và vô cùng mãnh liệt để hiện thực hóa bằng những ca khúc trân trọng, tự hào về Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Những ca khúc ấy bật lên từ trái tim nghệ sĩ ngay trong thời điểm huy hoàng của mùa Thu tháng Tám: "Mười chín tháng Tám" (nhạc sỹ Xuân Oanh); "Cùng nhau đi Hồng binh" (nhạc sĩ Hoàng Vân)… cộng hưởng cùng những sáng tác trước đó, như: "Tiến quân ca" (nhạc sĩ Văn Cao), "Diệt phát xít" (nhạc sĩ – nhà thơ Nguyễn Đình Thi); "Du kích ca" (nhạc sĩ Đỗ Nhuận); "Cờ Việt Minh" (nhạc sĩ Vương Gia Khương); "Lên đàng", "Tiếng gọi thanh niên" (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)…làm nên âm thanh hào sảng, rộn rã, mê say mang tâm thế của người công dân yêu nước, tự hào về nền độc lập, tự do đã phải đổi bằng bao xương máu.
Sự kiện mùa thu năm 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận. Cả Hà Nội là không khí sôi sục của quần chúng tiến đến Tổng khởi nghĩa. Trời thu tháng Tám vang ngân trong những ca khúc "Mười chín tháng Tám" của nhạc sỹ Xuân Oanh. Ca khúc này ra đời từ hoàn cảnh đặc biệt trong không khí hừng hực của ngày 19/8/1945 khi nhạc sĩ Xuân Oanh hòa vào dòng thác tham gia cuộc Cách mạng lớn của dân tộc. Đặc biệt vì sáng tác và lan tỏa ca khúc ngay trong ngày 19/8/1945 vỡ òa cảm xúc. Đặc biệt vì nhạc sĩ vừa đi vừa sáng tác, viết nay trên vỏ bao thuốc lá cũ, chẳng cần bàn viết nghiêm chỉnh; viết đến đâu hát vang đến đó; viết trên đường từ Hàng Bài đến trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa xong và cả dòng người hát theo cũng thuộc lòng ngay lập tức. Chỉ trong buổi chiều hôm đó, ca khúc đã hát vang, được lan tỏa, phổ biến rộng rãi từ Bắc chí Nam.
Biểu tượng mùa Thu cách mạng
Mùa Thu cách mạng 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Cả dân tộc say sưa đón chào thắng lợi "Cờ chiến thắng! Cách Mạng thành Tháng Tám" (Xuân Diệu); đã "Phất cao cờ Việt Minh chói sáng/ Làm một mùa thu cách mạng (Hồ Chí Minh- Eoan Macccon); "Mùa thu từ năm đó/ Mùa thu từ bắt đầu" (Thanh Hải). Nhà thơ cảm nhận được màu sắc tươi mới: "Nguồn tươi vống nở thu sang mát lành"; cùng hương thu quyến rũ "Sáng nay mùa cốm dậy thơm đầy làng", "Trái hồng trĩu xuống cây rơm… Lúa vươn thân hút ánh vàng" (Thâm Tâm); "Gió thổi mùa thu hương cốm mới" (Nguyễn Đình Thi). Nhà thơ Nguyễn Đình Thi ngỡ ngàng "Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/ Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/ Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây/ Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy". Trong bài thơ "Đất nước", nhà thơ khẳng định "Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha". Mùa Thu riêng đã hòa trong cảm xúc mùa Thu đất nước và nhà thơ khắc họa tầm vóc dân tộc bằng hình ảnh thơ khái quát "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"…
Văn chương luôn có tính dự báo. Ngay trong đau thương của nạn đói năm Ất Dậu, nhà thơ cách mạng Tố Hữu vẫn tràn trề niềm hy vọng "Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu/ Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công! Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông / Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng / Ai cản được những đoàn chim quyết thắng / Sắp về đây thắm nắng xuân hồng" (Tố Hữu).
Cảm hứng về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 từ sau năm 1945 một mặt vẫn nối tiếp mạch nguồn cảm xúc của dân tộc, mặt khác độ lùi thời gian đã giúp cho các nhà thơ có cái nhìn sâu sắc, rộng mở, sâu lắng, đầy chiêm nghiệm. Mùa Thu Tháng Tám vẫn nguyên vẹn trong cảm xúc của dân tộc Việt Nam:
Ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới
Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca...