[ Đăng ngày:
09/08/2024
]
Bài viết “ Ngày Quốc khánh Việt Nam và những điều ít biết” do Luyện Thủy tổng hợp đăng trên báo điện tử Quân đội nhân dân.
Chúng ta đều biết Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày lễ chính thức của nước ta, diễn ra vào ngày 2-9 hằng năm.
Tuy nhiên, theo các tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, trong những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tên gọi “ngày QUỐC KHÁNH VIỆT NAM” được quy định là ngày 19 tháng 8 dương lịch, còn ngày 2 tháng 9 được quy định là “ngày VIỆT NAM ĐỘC LẬP”.
Cụ thể là Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18 tháng 2 năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ấn định ngày 2 tháng 9 là ngày “VIỆT NAM ĐỘC LẬP”.
Sắc lệnh 141bis ngày 26 tháng 7 năm 1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ký về việc lấy ngày 19 tháng 8 dương lịch, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 từ nay sẽ là ngày “QUỐC KHÁNH VIỆT NAM”.
Kể từ hai văn bản này, ngày 2 tháng 9 thường được gọi bằng các cụm từ khác nhau như: “Ngày Độc lập”, “Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, “ngày Tuyên ngôn độc lập”. Cho đến năm 1954, “Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9” là văn bản chính thức đầu tiên Chính phủ sử dụng cụm từ “Quốc khánh” để nhắc đến ngày 2 tháng 9.
“Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh 2-9” được đăng trên báo Nhân Dân năm 1954.
Ngày 2-9 chính thức được quy định là ngày Quốc khánh tại điều 145, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992: “Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Quốc khánh”, và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, chương 1, điều 13, mục 4 quy định: “Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.
CÁC TIN KHÁC