Tứ bất tử : Bốn vị thánh bất tử của Việt Nam/ Ngô Đức Thịnh, Vũ Ngọc Khánh. - Hà Nội : Nxb. Hà Nội, 2022. - 271 tr. ; 21 cm
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Tứ bất tử là bốn vị Thánh linh thiêng trong các vị thần Việt Nam, đó là những nhân vật sống mãi trong lịch sử cũng như tâm thức của biết bao thế hệ người dân Việt. Đồng thời, tín ngưỡng này là một nét sáng tạo độc đáo, riêng biệt thuần túy của người Việt Nam được kết tinh từ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, là một bộ phận không thể tách rời trong di sản văn hóa của dân tộc.
Ngày nay, tín ngưỡng thờ Tứ bất tử tiếp tục làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng như góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy bốn vị thánh đó là ai, được thờ ở đâu? Mời các bạn tìm hiểu quyển sách “Tứ bất tử : Bốn vị thánh bất tử của Việt Nam” do Nxb Hà Nội phát hành.
Quyển sách được chia thành hai phần như sau:
Phần thứ nhất: Tứ bất tử trong tâm thức dân gian Việt Nam
Mỗi vị thánh trong Tứ bất tử được nhân dân tôn sùng và thờ phụng bao đời nay đều gắn với những truyền thuyết, thể hiện khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc của con người.
Thứ nhất, Đức Thánh Tản hay Tản viên Sơn Thánh là vị thánh thường được nhắc tới đầu tiên và có xuất xứ lâu đời nhất trong bốn vị thánh. Thánh Tản viên chính là biểu tượng về lòng quả cảm, anh dũng trong cuộc chiến chống thiên tai, được thể hiện rất rõ qua truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Có lẽ đây là vị thánh liên quan tới truyền thuyết về việc bảo tồn, giữ gìn đất nước trong cuộc đấu tranh chống chọi với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm của dân tộc.
Thứ hai, Đức Thánh Chử Đồng Tử là một vị thánh gắn liền với truyền thuyết từ đời Hùng Vương. Đây là vị thánh biểu tượng cho tình nghĩa và khát vọng nhân bản của con người. Đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử được lập ở Hưng Yên và hàng năm mở hội vào trung tuần tháng 2 âm lịch với màn tế lễ cầu mong quốc thái dân an.
Thứ ba, biểu tượng Thánh Gióng được dân gian tôn thờ như tôn thờ lẽ sống của con người, thể hiện qua câu ca dao “ Không đi hội Dóng cũng hư mất đời”. Những nơi mang dấu tích chiến công của Thánh Dóng đều được nhân dân lập đền thờ, gìn giữ. Ngoài đền thờ chính ở Phù Đổng, còn có đền thờ ở Sóc Sơn, ở núi Vệ Linh, nơi Thánh Dóng sau khi đánh giặc xong cởi áo giáp sắt treo lên cây để bay lên trời.
Thứ tư, Thánh mẫu Liễu Hạnh là nữ thánh duy nhất trong bộ tứ uy linh. Bà được nhân dân tôn sùng là Thánh mẫu vì thường hiển linh phù trợ người hiền, nhất là trẻ em và phụ nữ. Và hàng năm vào đầu tháng 3 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội có quy mô lớn cùng với nhiều nghi thức độc đáo gắn với tín ngưỡng thờ mẫu.
Phần thứ hai: Bốn vị thánh bất tử của Việt Nam
Trong phần này, sách giới thiệu sự tích và huyền thoại; sinh hoạt văn hóa; một số tư liệu cũng như phong tục thờ cúng, tín ngưỡng của bốn vị thánh: Đức Thánh Tản, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Dóng và Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới góc nhìn tín ngưỡng văn hóa dân gian. Bốn vị thánh này là biểu tượng của sự trường tồn, bất diệt của dân tộc ta theo tâm thức dân gian. Mỗi vị tượng trưng cho một khát vọng và tinh thần của dân tộc Việt.
Tục thờ Tứ bất tử mang màu sắc tín ngưỡng nhưng lại phản ánh đậm nét truyền thuyết lịch sử và giá trị văn hoá sâu sắc của dân tộc. Đây chính là nền tảng tinh thần làm nên cốt cách của con người Việt Nam: kiên trung, bất khuất, thông minh, sáng tạo, tình nhà nghĩa nước hài hoà. Đó là truyền thống, là cội nguồn của đời sống tinh thần làm nên sức mạnh của dân tộc trong mọi hoàn cảnh từ xưa tới nay.
Tìm hiểu quyển sách “Tứ bất tử : Bốn vị thánh bất tử của Việt Nam” để ôn lại truyền thống của dân tộc, hiểu rõ thêm về tín ngưỡng dân gian của dân tộc ta, đặc biệt để lớp trẻ thêm tự hào khí thiêng sông núi và tín ngưỡng của ông cha, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng, của dân tộc trong thời đại hội nhập ngày nay.
Sách hiện có tại Thư viện. Mời các bạn tìm đọc!