Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,Tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng, thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Ngày Nhà Giáo Việt Nam chính là ngày thể hiện đạo lý ngàn năm ấy. Vì thế, đã từ lâu ngày 20/11 không chỉ là ngày hội của riêng ngành giáo dục mà còn là ngày hội lớn của toàn xã hội. Đây là ngày hội quan trọng nhằm tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo và những người làm công tác giáo dục, đồng thời thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với các thầy cô giáo.
Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), Thư viện thành phố trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “ Những người thầy trong sử Việt” tập 1 của các tác giả: Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2018 để giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về những người thầy lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam.
Cuốn sách gồm 312 trang kể về 22 người thầy qua các thời kỳ trong lịch sử Việt Nam đã được các tác giả giới thiệu ngắn gọn về hoàn cảnh xuất thân, quá trình học tập, trưởng thành, những đóng góp quan trọng trong việc dạy dỗ học trò, đặc biệt nhiều người thầy vừa làm quan, vừa trực tiếp dạy học cho các thái tử trong triều. Đó là những người thầy đã rất quen thuộc như: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Huyên... Họ không chỉ là những người trực tiếp dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, mà còn là những nhà thơ, nhà văn, nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng trong lịch sử nước nhà.
Mở đầu cuốn sách tác giả giới thiệu người thầy, người đặt nền móng cho việc xây dựng trường Đại học đầu tiên. Đó là thầy giáo Lê Văn Thịnh, người thầy dạy của thái tử Càn Đức, về sau lên ngôi là vua Lý Nhân Tông. Do lễ vua tôi ông chỉ được phong chức thị độc (hầu học cho vua), nhưng trong thực tế ông đã dạy cho vị vua tương lai tất cả những kiến thức cần thiết cho việc trị nước an dân, từ việc tổ chức triều đình cho đến việc làm ruộng, đắp đê, giao thương buôn bán. Không chỉ là một người thầy giỏi ông còn là một vị tướng tài năng, mưu trí giúp vua tôi nhà Lý đánh tan giặc Tống.
Tiếp đến những người thầy trong lịch sử Việt Nam, phải kể đến là Chu Văn An, người thầy mà cả nước đều biết và được nhân dân tôn là “Vạn thế sư biểu” (người thầy chuẩn mực của muôn đời).Thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) không theo con đường khoa cử đỗ đạt làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học. Ông nổi tiếng khắp nước về đức độ và kiến thức uyên bác. Năm 1325, thầy Chu Văn An được triệu vào cung dạy dỗ các hoàng tử, sau đó nhận chức Tế tửu nhà Thái học, tức Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám. Sau khi ông mất, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn, vua Trần Nghệ Tông đã tôn vinh Chu Văn An là Quốc sư, ban cho ông tên hiệu là Văn Trinh và thờ ở Văn Miếu. Hay Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ và nhà văn hóa lớn đất Nam kỳ, người được nhân dân trìu mến gọi là Đồ Chiểu cái tên gắn liền với nghề dạy học của ông; Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên, nhà khoa học kỳ tài được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Giáo dục nước nhà sau hơn 1 năm nước ta tuyên bố độc lập…Đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu về Nguyễn Thị Lộ - vị nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bà chính là người vợ hiền giỏi giang của Nguyễn Trãi - nhà Văn hóa lớn của nước ta...
Ở cuốn sách này chúng ta không chỉ bắt gặp những thầy giáo lỗi lạc của Việt Nam mà còn có cả những người thầy ở các nước khác, người đã đặt nền móng cho các thành tựu khoa học của nước nhà. Đó là họa sĩ Victor Tardieu, một người con của nước Pháp xa xôi mang trong mình tư tưởng tân tiến, đã dành cả nửa cuộc đời mình để xây dựng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngôi trường đã đào tạo nên những thế hệ họa sĩ tài năng đầu tiên của nước ta như: Nguyễn Văn Thọ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí,…
Đến với cuốn sách “Những người thầy trong sử Việt”, bạn đọc sẽ thấy mỗi người thầy đều là những tấm gương về ý chí, tinh thần ham học, nhân cách mẫu mực, tấm lòng yêu nước sâu sắc đồng thời cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.Các thầy không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, cách làm người cho các thế hệ học trò mà còn truyền cho lớp lớp học sinh tình yêu quê hương, đất nước từ đó cố gắng học hành, rèn đức, luyện tài để trở thành những người có ích cho xã hội. Từ đó chúng ta sẽ càng thêm yêu quý, kính trọng thầy cô, phát huy truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, truyền thống đó cần được tiếp tục giữ gìn, tiếp thu có sáng tạo và phát huy hơn nữa trong giai đoạn hội nhập với thế giới. Trên con đường học vấn đầy gian nan, thử thách, thầy cô vừa là người dẫn đường chỉ lối, vừa là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi người. Sự tâm huyết, lòng yêu thương cùng những bài học quý giá mà thầy cô đã dạy sẽ mãi mãi theo chân các học trò trong suốt cuộc đời, tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước, những con người vừa hồng vừa chuyên./
Trân trọng giới thiệu, mời quý vị và các bạn cùng tìm đọc.