ĐỒNG CHÍ TÔN ĐỨC THẮNG - NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG, MẪU MỰC
Đồng chí Tôn Đức Thắng là “một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”(1) - một tấm gương người cán bộ lãnh đạo luôn khiêm nhường và giản dị, trung thực và liêm khiết, nói ít làm nhiều, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết. Đó cũng là “người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ tiên phong”(2) của Đảng.
MỐC SON TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CÁCH MẠNG
Đồng chí Tôn Đức Thắng (Anh Hai Thắng) sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Năm 1912, đồng chí đã tham gia các cuộc bãi công, bãi khoá của công nhân xưởng sửa chữa tàu thủy Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ. Bị thực dân Pháp lùng bắt, đồng chí trốn sang Pháp làm công nhân và là một trong những công nhân Việt Nam đầu tiên hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Đồng chí đã tham gia cuộc phản chiến của Hải quân Pháp ở Biển Đen, kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Pháp ủng hộ Nhà nước Nga Xôviết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Ra khỏi hải quân, đồng chí tham gia hoạt động trong Tổng công hội Pháp, trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước của Kiểu bào ta tại Pháp.Những năm tháng hoạt động ở Pháp, đồng chí đã tranh thủ điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm hoạt động trong phong trào công nhân và của tổ chức công đoàn ở Pháp. Chịu ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, học bài học kinh nghiệm đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp, năm 1920, đồng chí trở về Sài Gòn cùng các bạn chiến đấu của mình xây dựng những cơ sở Công hội bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn, trở thành người đầu tiên xây dựng và lãnh đạo tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Nỗ lực hoạt động của đồng chí và những người bạn đã góp phần vào sự phát triển nhanh cả số lượng và chất lượng của Công hội: “Từ năm 1920 đến năm 1925, Công hội bí mật đã phát triển tới 300 hội viên bao gồm nhiều công nhân trong các xí nghiệp và một số thợ thủ công”(3) ở nhiều nhà máy như Ba Son, FACI, Nhà đèn Chợ Quán, hãng rượu Bình Tây… Công hội cũng đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, bênh vực quyền lợi của công nhân, chống thực dân, đế quốc… Sự ra đời và hoạt động của Công hội là một minh chứng sinh động cho thấy giai cấp công nhân Việt Nam đã chuyển từ chỗ chưa có tổ chức sang thờikỳ có tổ chức riêng của mình; từ chỗ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác dưới sự lãnh đạo của một tổ chức.
Năm 1925, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, có tiếng vang trong nước và quốc tế. Đây là cuộc bãi công đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam có sự lãnh đạo, có tổ chức, được sự ủng hộ của toàn thể công nhân, người lao động thành phố, đánh dấu trình độ tổ chức, ý thức đoàn kết, kỷ luật và sự phối hợp trong đấu tranh vì mục tiêu kinh tế, nhưng mang đậm tính chất chính trị và tinh thần quốc tế vô sản. Điều đó cho thấy, giai cấp công nhân Việt Nam đang trưởng thành, chuyển dần từ “tự phát” sang “tự giác”, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin xâm nhập sâu rộng vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Sau cuộc đấu tranh này, các cơ sở của Công hội lan rộng ở Nam Bộ…
Năm 1926, đồng chí tham gia hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng ta do Hồ Chí Minh sáng lập. Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bắt đầu hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Nam Bộ. Gia nhập tổ chức này, đồng chí được giao giữ trọng trách Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách phong trào công nhân. Trên cương vị đó, đồng chí đã nỗ lực học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin “ăn sâu, bén rễ” trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Đồng thời, tích cực tuyên truyền và tổ chức những người tích cực, hăng hái trong các cơ sở Công hội và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, góp phần phát triển Hội và phong trào công nhân. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, tháng 7-1929, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp và lùng bắt hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Bị thực dân Pháp bắt ngày 23-7-1929 và giam ở Khám lớn Sài Gòn, đồng chí luôn kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau đó, đồng chí bị kết án 20 năm khổ sai và đến tháng 6-1930, bị đày ra Côn Đảo. Trong những năm tháng này, đồng chí Tôn Đức Thắng -người mang số tù 5.289 đã cùng những chiến sĩ cách mạng khác lập chi bộ Đảng, kiên cường đấu tranh cách mạng, biến nhà tù thành trường học cộng sản. Chịu biết bao cực hình dã man: bị nhốt vào hầm xay lúa, trong hầm tối, bị xiềng xích, cùm kẹp, bị bỏ đói, bỏ khát, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của đồng chí trước sau vẫn không lay chuyển. Đồng chí đã “tổ chức anh em tù chính trị thành hạt nhân, đoàn kết toàn thể tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm…”(4), trong đó có nhiều tù nhân được giác ngộ, một số tù lưu manh cũng được cảm hóa; luôn luôn nêu cao tấm lòng yêu nước, giữ vững tinh thần cách mạng, một lòng trung thành với Đảng; đồng thời, chịu khó nghiên cứu, học tập lý luận và lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Là “con người của hành động, hành động tiên phong”, tinh thần cách mạng, lòng kiên trung và chí khí lẫm liệt của anh Hai Thắng được đồng chí tin yêu, kính trọng; kẻ thù kính nể, khâm phục.
Mùa Thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Tôn Đức Thắng và những chiến sĩ bị giam cầm ở Côn đảo được Ủy ban nhân dân Nam Bộ đón về. Đồng chí trở về đất liền cũng là lúc thực dân Pháp quay lại tái chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tại hội nghị cán bộ toàn xứ Nam kỳ họp ngày 15-10-1945, đồng chí Tôn Đức Thắng và đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng được bầu vào Xứ ủy. Đồng chí đã cùng tập thể Xứ ủy tập trung lãnh đạo xây dựng phong trào, củng cố chính quyền nhân dân, thành lập những khu du kích… từng bước đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đi qua những khó khăn ban đầu. Sau đó, đồng chí được điều ra Bắc công tác.
TẤM GƯƠNG NGƯỜI CỘNG SẢN MẪU MỰC
Là một trong những người con ưu tú của Nam Bộ, Ủy viên Uỷ ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng được nhân dân miền Nam bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử 6-1-1946. Cuối năm 1946, tại kỳ họp thứ II Quốc hội khóa I, Quốc hội đã tín nhiệm bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Trong những năm sau đó, đồng chí được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách như: năm 1947 là Tổng Thanh tra Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ; năm 1948 là quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương; năm 1950 là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô; năm 1951 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; năm 1955 là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới, Chủ tịch danh dự Ủyban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam; năm 1960 là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; năm 1969 là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; năm 1976 là Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Đồng chí đã luôn sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Là người Việt Nam đầu tiên được Giải thưởng hoà bình quốc tế Lênin Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, đồng chí phát biểu: “Tôi nhận rõ rằng việc tặng giải thưởng Lênin cho tôi là một sự công nhận phần cống hiến mà nhân dân Việt Nam đã và đang góp vào cuộc đấu tranh để tăng cường nền hòa bình ở châu Á và trên thế giới”(5). Tháng 8-1958, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng nhân dịp 70 tuổi. Xúc động trước lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời chúc mừng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ đón nhận, đồng chí nói: “Trong giờ phút cảm động này, tôi không biết nói gì hơn là hứa lấy cố gắng của tôi để đền đáp công ơn của Đảng, công ơn Hồ Chủ tịch, Người sáng lập và xây dựng Đảng, đã đưa tôi vào con đường vẻ vang và để đền đáp sự tín nhiệm của nhân dân và Chính phủ”(6).
Dừng lại ở tuổi 92 (1888- 1980), cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương cao đẹp, mẫu mực của người cách mạng trọn đời phấn đấu vì lý tưởng. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời mình, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn là hình ảnh tiêu biểu của một người cộng sản nhiệt thành, kiên trung, người lãnh đạo mẫu mực, biểu tượng của tình đoàn kết; luôn bằng uy tín cá nhân và sự nỗ lực của mình hiến dâng tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp cách mạng, gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng, tín nhiệm của Đảng và nhân dân. Dù ở đâu và làm gì, là người lính chiến trên Biển Đen, là Hai Thắng trong hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo, vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay một vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, v.v.. thì cũng vẫn luôn là một “Bác Tôn là anh Hai Thắng hay già Thắng tính tình kiên quyết, nhân nghĩa, trong sáng, hiền hòa, trầm tĩnh, giản dị… không nề hà bất cứ một công việc gì”(7); luôn là người hết lòng chăm lo xây dựng đoàn kết trong Đảng, trong đồng chí, đồng bào, luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”; luôn tiền phong trong hành động và công việc, chân tình, ấm áp trong ứng xử và thủy chung với nước, với dân; luôn là niềm tự hào của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận dân tộc thống nhất và toàn thể nhân dân ta.
Cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Hai Thắng là một tấm gương về lòng nhiệt thành yêu nước; trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân; bất khuất trước kẻ thù; đức khiêm tốn, giản dị trong lối sống; hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào… Vì thế, “chúng ta nhớ mãi Bác Tôn, đặc biệt là đạo đức của Bác - Một người công nhân ưu tú, một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước vĩ đại, người bạn chí thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”(8) - đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết. Cùng với thời gian, “di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng”(9)./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.9, tr.221.
(2) Điếu văn do đồng chí Trường Chinh đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Tôn ĐứcThắng, ngày 3-4-1980, Báo Nhân dân ngày 4-4-1980.
(3),(4), (7), (8), (9) Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.403-404, 432, 469, 33, 24.
(5) Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng. (6) Đồng chí Tôn Đức Thắng - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường mẫu mực, Nxb. Sự Thật, H, 1982, tr.35.
TS. Văn Thanh Mai
Nguồn tin: tuyengiao.vn