“Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài lớn nhất của mọi thời đại.” (Nhà sử học Mỹ Cecil Currey)
Câu trích dẫn trên viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Một vị tướng mang tầm vóc của thời đại, có sức ảnh hưởng cả trong nước và quốc tế. Trải dài lịch sử dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay có rất nhiều vị tướng giỏi đóng góp vào sự nghiệp đánh giặc cứu nước của nhân dân ta như: tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng,…Họ đã kế thừa và tiếp thu hào khí Đông A của triều Trần và triết lý “nhân nghĩa cốt ở yên dân” của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi để làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó, tướng Võ Nguyên Giáp gây ấn tượng sâu sắc đối với chúng ta về vị tướng tài năng, anh dũng, luôn vì nước vì dân, là học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của tướng Giáp như một bản hùng ca gắn với lịch sử của nước nhà. Nhân kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Ông (25/8/1911 – 25/8/2023), Thư viện tỉnh Vĩnh Long xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Võ Nguyên Giáp – Hào khí trăm năm” của tác giả Trần Thái Bình do nhà xuất bản Trẻ ấn hành in lần thứ chín vào năm 2011.
Quyển sách với 472 trang giới thiệu tiểu sử và cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã toả sáng lên cả hai thế kỷ của đất nước với những hình ảnh tư liệu quý giá khắc hoạ hành trình, thông tin lý thú về cuộc đời của ông, qua đó giúp ta hiểu thêm về lịch sử nước nhà qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời vào ngày 25/8/1911 tại làng An Xá (nay là xã Lộc Thủy) huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – một nơi chịu nhiều khí hậu khắc nghiệt lại thường xuyên có các cơn bão đổ vào biển Đông đã làm nên tính cách của con người nơi đây: kiên trì chịu đựng và bền bỉ phấn đấu, để thích nghi và vượt qua những tai họa thiên tai. Đồng thời, con người nơi đây nổi tiếng những đức tính cần kiệm, chắt chiu và kiên nhẫn. Cụ thân sinh ông là một nhà nho, có tên húy là Võ Quang Nghiêm (còn có tên là Võ Nguyên Thân), thân mẫu là bà Trần Thị Kiên. Tuy sống trong gia đình nghèo, ông vẫn được cha, mẹ cho ăn học tử tế. Ông học giỏi và thông minh đã trúng tuyển vào trường Quốc Học Huế năm 1925, tại đây ông đã viết bài báo đầu tiên bằng tiếng Pháp có tên A bas le tyranneau du Quốc Học (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc Học!) để tố cáo nền giáo dục ngu dân và quy chế cấm đọc sách báo yêu nước. Ông cùng các bạn cùng lớp bãi khóa để phản đối giám thị mật vụ Pháp đuổi học người bạn Nguyễn Chí Diểu khi ấy ông vừa đến tuổi mười sáu. Ông tham gia xúc tiến chuyển từ Tân Việt Cách mạng Đảng thành tổ chức Cộng sản, tham gia viết báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế. Ông bị bắt giam mười ba tháng tại Huế vì tham gia phong trào cách mạng của học sinh. Trong quá trình trải qua gian khó nhưng ông vẫn có ý chí, nghị lực tự học để thi đỗ Tú tài và đậu đại học Luật vào năm 1934. Trong khoảng thời gian này, ông đã chọn con đường làm giáo viên tự do ở Hà Nội với hai môn lịch sử và địa lý. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã tham gia vào phong trào Mặt trận dân chủ, viết báo Lao động và nhiều báo khác, viết chung với đồng chí Trường Chinh cuốn “Vấn đề dân cày”, “vấn đề dân tộc ở Đông Dương” với bút danh Vân Đình. Năm 1940, ông theo triệu tập của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được Hoàng Văn Thụ đưa sang Trung Quốc gặp Bác Hồ nhận nhiệm vụ mới, lần ra đi này ông phải vượt qua một tình cảm lớn: để lại người vợ mới cưới (Bà Nguyễn Thị Quang Thái) và đứa con gái mới ra đời hơn một năm: bé Hồng Anh. Thời điểm ấy, ông mang tên Dương Hoài Nam, tạm thời lấy danh nghĩa Việt Nam giải phóng Đồng minh để hoạt động trên đất của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Năm 1941 chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho ông tổ chức và huấn luyện cán bộ, vận động đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng, Lạng Sơn, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Xuất thân từ một tri thức, hòa mình với người lao động dân tộc, đồng cam cộng khổ với đồng bào, tự học thông nhiều thứ tiếng dân tộc, ông đã từng nói “Quê hương thứ hai của tôi là Cao Bằng”. Ngày 22-12-1944 được sự ủy nhiệm của Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Trong Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc họp tại Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa, ông được cử vào Ban Chấp hành Trung ương, sau đó vào Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và ban bố Quân lệnh số 1 do ông ký với tên Văn để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước mang giá trị lịch sử cả một thời kỳ và mang tầm vóc quốc tế. Ngày 2-9-1945 ông được phân công chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (gồm công tác nội vụ và công an) đồng thời đặc trách công tác quân sự của Đảng và Bí thư Đảng Đoàn Chính phủ. Năm 1946 ông đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh 280 ủy quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc cho ông. Năm 1948 Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã đánh thắng đại tướng Pháp trong chiến dịch Việt Bắc, khi ấy ông vừa tròn ba mươi bảy tuổi. Tướng Giáp đã trực tiếp chỉ huy đánh thắng các chiến dịch: Biên Giới, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình,…Với kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954 quyết định chuyển phương hướng từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” nhằm thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã chỉ huy ba đợt tiến công vào các căn cứ của địch tạo nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc mang tầm vóc lịch sử của thời đại, có sức ảnh hưởng đến cả thế giới. Với cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp tục giữ chức Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, bí thư Quân ủy Trung ương, tướng Giáp đã chỉ huy thắng lợi các chiến dịch: đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Phước Long, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành lại nền độc lập và thống nhất đất nước. Với tài năng quân sự, ông đã chỉ huy quân đội giành thắng lợi trên khắp mặt trận, phá vỡ các kế hoạch chiến tranh của Mỹ: chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh. Sau khi nước nhà giành thắng lợi vẻ vang trong chống Mỹ cứu nước, ông luôn giữ các nhiệm vụ quan trọng trong các lĩnh vực chính trị và ngoại giao nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Ông chú trọng xây dựng nền kinh tế tri thức làm then chốt bên cạnh chú trọng kinh tế biển đảo.
Quyển sách cho ta hiểu rõ về một vị anh Cả của quân đội ta, một người có đức và có tài, trung thực, thẳng thắn, giàu lòng nhân ái, luôn vì nhân dân và đất nước. Ông đã cống hiến cả cuộc đời trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ đất nước với những phương án chống lại giặc như: kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, lúc thì đánh chắc tiến chắc, lúc lại thần tốc, thần tốc hơn nữa…một cách linh hoạt, mềm dẻo để thắng giặc. Chúng ta không khỏi xúc động về một vị tướng “đời chung trong đời riêng của đất nước” cố kìm nén nỗi đau khi vợ mất vì nhiệm vụ thiêng liêng đối với đất nước và dân tộc. Ông không những là nhà quân sự lỗi lạc mà còn là một nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của đại tướng Võ Nguyên Giáp như một bản hùng ca lịch sử của dân tộc, “Người chuyển dịch dòng chảy lịch sử” trong thế kỷ XX, “một trong những thiên tài lớn nhất của mọi thời đại”. Với tầm vóc vĩ đại của một con người văn – võ song toàn và đức độ, chúng ta càng cảm thấy khâm phục và hứa sẽ noi gương theo đại tướng để ngày càng phát triển bản thân góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Sách hiện có tại Thư viện. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!