Liên kết website :

Số người truy cập: 128574
Đang online: 443
[ Đăng ngày: 01/02/2024 ]

Văn hóa Việt Nam, Tết cổ truyền hay còn gọi Tết cả, Tết Nguyên đán – Tiết Nguyên đán là ngày bắt đầu của tháng, của năm và của mùa. Một lễ hội mà bất cứ ai đi đâu xa, làm ăn gì cũng đều phải quay về với ngôi nhà tổ tiên, sum họp với gia đình mình.

Lễ hội được xem là dịp để đoàn tụ, tạ ơn và khởi đầu cuộc sống mới của năm. Nhằm giới thiệu những phong tục, tập quán lễ hội đầu năm mới, nhân dịp mừng xuân mới Giáp Thìn 2024. Thư viện thành phố trân trọng giới thiệu quyển sách “Tết Việt Nam Xưa” do nhiều tác giả biên soạn và Du Uyên dịch, được Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành.

Với 196 trang, quyển sách sẽ giới thiệu đến bạn đọc ba chủ đề xoay quanh nghi lễ, phong tục và thú chơi Tết truyền thống của dân tộc ta. Đặc biệt, nội dung mở đầu quyển sách là câu chuyện “Tết Nguyên đán của người An Nam” của GS.TS Nguyễn Văn Huyên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về các đặc điểm tết ở nước ta phụ thuộc chặt chẽ như thế nào giữa hai yếu tố tự nhiên và con người, nền tảng hình thành nên nét cơ bản trong tín ngưỡng dân gian.

Đến với phần một quyển sách, bạn đọc sẽ được tìm hiểu những nghi lễ Tết; trong đó, Tết và thờ cúng gia tiên là nội dung đầu tiên. Hoạt động này được xem là nghi lễ chính trong ngày khai niên, bởi theo quan niệm dân gian, con người phải có tổ tông – như cây có cội, như sông có nguồn. Việc thờ cúng phải tập trung ở bàn thờ gia tiên với những vật phẩm như hương – đăng – hoa – quả, đặc biệt là bài vị – thần chủ hay hình ảnh đặt nơi trang trọng.

Bên cạnh lễ nghi, những ngày Tết ở khắp nơi, mọi người, mọi nhà luôn nghĩ về điều may mắn với quan niệm “Xuất môn nghênh Bách phúc; nhập hộ chúc Tam đa”; bạn đọc còn được tìm hiểu về lịch sử hình thành và người tổ chức lễ nghinh xuân truyền thống, ông chính là vua Minh Mạng năm thứ 11 (1828), với mục đích cầu xin thần nông nghiệp bảo vệ đất đai, mùa vụ bội thu; hay lễ Nam Giao, một nghi lễ của người đứng đầu nhà nước xưa (vua) cầu xin trời đất cho quốc thái dân an.

Sang phần hai, bạn đọc sẽ được tìm hiểu phong tục Tết xưa qua câu chuyện “Lá thư đêm giao thừa” – ký ức của tác giả, người đã từng hòa mình vào không gian vui xuân bên gia đình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ; hay câu chuyện “Tết ở làng quê” của Nhà văn Pháp, người tận hưởng hương vị và không khí Tết Việt Nam thật nhẹ nhàng và bình dị; và câu chuyện người An Nam nghĩ về Tết với bầu nhiệt huyết mới, sự hăng say mới, nhiều lý do để yêu thương, tin tưởng và hy vọng, như Tú Xương “Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết; kiết cú như ai cũng rượu chè”. Ngoài ra, phong tục thăm hỏi và chúc Tết trong ba ngày đầu xuân cũng được đề cập rõ nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu nét văn hóa truyền thống trong gia đình và dòng họ ở nước ta nhân dịp mừng năm mới; những hoạt động du xuân, trẩy hội nằm trong chuỗi gắn kết của lễ hội cũng được giới thiệu.

Song hành với những hoạt động khác, thú chơi Tết là yếu tố không thể thiếu trong ba ngày đầu năm mới; đây cũng chính là chủ đề phần ba quyển sách giới thiệu đến bạn đọc.   Đối với Hà Nội, vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm, khi đến ngày Tết ngoài hoa Đào thì hoa Thủy Tiên không thể thiếu nơi trang trí trong nhà của người dân. Những câu đối liễn với nội dung tán dương vẻ ngọt ngào của mùa xuân, niềm vui bên gia đình, hay nguyện vọng tốt đẹp,…, chữ “Phúc” và chữ “Thọ” cũng luôn hiện diện trong nhiều gia đình với quan niệm mang đến hạnh phúc và sống trường thọ, hay như tranh dân gian được bày trí trong nhà với nhiều cách nghĩ khác nhau về quan niệm sống từng gia đình; tất cả được giới thiệu đầy đủ trong nội dung này.

Tết là lễ hội văn hóa truyền thống hình thành từ lâu đời ở nước ta, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có quan niệm về năm mới, về cách thức tổ chức khác nhau, nhưng vẫn thể hiện đúng bản chất là tạ ơn, tri ân, sum họp và bắt đầu cuộc sống mới.

Đây chính là nét đẹp truyền thống văn hóa, và quyển sách “Tết Việt Nam Xưa” giúp bạn đọc hiểu sâu hơn dưới nhiều góc nhìn được lựa chọn và biên soạn từ các bài viết của tác giả trong và ngoài nước in trong Tạp chí Đông Dương ở nửa đầu thế kỷ XX. Tài liệu này rất có giá trị đối với những nhà nghiên cứu, hay những người muốn tìm hiểu về phong tục tập quán Tết xưa của dân tộc ta.        

Sách hiện  có tại Thư viện thành phố. Rất hân hạnh phục vụ quý bạn đọc.

CÁC TIN KHÁC

THƯ VIỆN THÀNH PHỐ TÂN UYÊN

Địa chỉ : KP 4, Phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, Bình Dương

Số điện thoại: 0274 3641.110

Email: thuvientanuyen@gmail.com. Website: http://thuvientanuyen.vn