Liên kết website :

Số người truy cập: 128187
Đang online: 56
[ Đăng ngày: 08/10/2024 ]

Cuốn “ Cẩm nang làng số ” do Ông.Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Thông tin và Truyền thông, phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chỉ đạo biên soạn, được Bộ Thông tin và Truyền thông  ấn hành.

Từ tháng 1/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt  cuốn Cẩm nang Làng số trên các nền tảng số với mục đích hướng dẫn mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động xây dựng Làng số - mô hình kinh tế số và xã hội số nhỏ nhất, từ đó, góp phần chuyển đổi số địa phương và đất nước.

Cẩm nang Làng số viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hằng ngày trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện khắc họa con người cụ thể, công việc cụ thể, vấn đề cụ thể, cách làm cụ thể, công cụ cụ thể và kết quả cụ thể. Người dân tự làm để giúp chính mình, sau đó giúp gia đình mình và những người xung quanh, dần hình thành nên những công dân số, gia đình số, ngôi làng số và quốc gia số.

Làng số giới thiệu khoảng 30 nền tảng số make in Việt Nam. Mỗi nền tảng số là một viên gạch, hướng tới giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống của người dân. Mỗi nền tảng số được giới thiệu giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ số mang lại. Mỗi người dân, mỗi làng, dựa trên nội lực, văn hóa, đặc điểm địa phương có thể lựa chọn những viên gạch này để xây dựng nên ngôi làng số của chính mình.

Bên cạnh đó Làng số cũng giới thiệu khoảng 50 câu chuyện điển hình, gắn với hơn 100 con người điển hình, cụ thể. Mỗi làng, mỗi xã sẽ là một cộng đồng khác biệt, vì thế, sẽ không có mô hình làng số phù hợp cho tất cả. Tuy nhiên, từng câu chuyện đều gắn với bối cảnh, cách làm và kết quả để người dân, chính quyền tham khảo, học hỏi, áp dụng để giúp lan tỏa, nhân rộng, từng bước hình thành nên các làng số trên khắp cả nước.

Việt Nam có gần 11 nghìn đơn vị hành chính cấp xã, khoảng 29 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Muốn chuyển đổi số nhanh, bền vững, bao trùm thì toàn dân phải cùng nhau vào cuộc. Để làm được như vậy, mỗi người dân, mỗi làng, mỗi xã, mỗi hợp tác xã đều cần một cuốn sách truyền cảm hứng về những ví dụ cụ thể, dễ đọc, dễ làm, và quan trọng nhất là có thể tự làm, để từ đó, tự mình có thể giúp chính mình chuyển đổi số mà không phụ thuộc vào người khác.

 Các vấn đề trong cẩm nang Làng số  đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực và cụ thể liên quan đến việc ứng dụng công nghệ số vào đời sống hàng ngày của người dân nông thôn,  được sắp xếp một cách khoa học và được minh họa qua những câu chuyện và ví dụ thực tế, nhằm giúp người dân dễ hiểu và áp dụng, như:

Khái niệm “làng số” là những cộng đồng nông thôn ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động hàng ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả làm việc. Công nghệ số giúp kết nối người dân với các dịch vụ, giảm bớt khoảng cách về không gian và thời gian.

Già làng số: Vai trò của những người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, được gọi là "già làng số". Những người này có trách nhiệm hướng dẫn và dẫn dắt cộng đồng tiếp cận và sử dụng các nền tảng công nghệ một cách hiệu quả và an toàn.

Kết nối số: Sự phát triển của hạ tầng mạng và kết nối Internet ở các làng quê, giúp người dân tiếp cận với thông tin và các dịch vụ trực tuyến. Nhiều ví dụ được đưa ra về các dự án cung cấp Wi-Fi công cộng và ứng dụng kết nối cho cộng đồng.

Danh tính số và chữ ký số: để thực hiện các giao dịch điện tử. Các ứng dụng như VNeID giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần giấy tờ vật lý, và chữ ký số giúp đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch điện tử.

Dịch vụ công trực tuyến: Người dân có thể tiếp cận các dịch vụ hành chính công qua mạng mà không cần phải đến các cơ quan nhà nước trực tiếp. Các thủ tục như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, nhận trợ cấp xã hội được thực hiện trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.

Nông nghiệp số: Các mô hình nông nghiệp thông minh như tự động hóa tưới tiêu, chiếu sáng thông minh cho cây trồng, và theo dõi sản phẩm nông nghiệp qua các ứng dụng số giúp cải thiện năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.à văn hóa số

An toàn trên mạng: Cuốn sách cũng đề cập đến vấn đề an toàn thông tin và bảo mật trong môi trường số, hướng dẫn người dân cách bảo vệ dữ liệu cá nhân và tránh bị lừa đảo trực tuyến.

Truyền thanh số: Truyền thanh số là hệ thống truyền thanh truyền thống được cải tiến, sử dụng công nghệ số để truyền tải thông tin. Truyền thanh số có khả năng phát thông tin qua nhiều kênh khác nhau như radio, mạng Internet, ứng dụng di động, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng và chính xác với thông tin thời sự, chính sách, và các thông báo từ chính quyền.

Ngoài ra trong cẩm nang còn đề cập đến các khái niệm khác như: Làng nghề số, Nhà trọ chuyển đổi số, Nhà văn hóa số, Thư viện sách số, Mua vé tàu xe trực tuyến, Tư vấn sức khỏe từ xa, Mua hàng hóa trực tuyến, Thanh toán trực tuyến, Thương mại số và du lịch số, Tìm việc làm trực tuyến, Truyền hình số di động, Học tập trực tuyến.  Cuối cẩm nang còn có 02 phần phụ lục gồm: Danh sách công nghệ, nền tảng số; Danh sách các làng, hợp tác xã, địa phương tiêu biểu.

Các nội dung được trình bày trong Cẩm nang Làng số là một tài liệu hướng dẫn thực tế và dễ hiểu, sẽ giúp người dân nông thôn từng bước hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghệ số, từ đó xây dựng nên các làng quê thông minh, phát triển bền vững trong thời đại số.

Tại thời điểm hiện nay, khi kinh tế số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, việc ra đời Làng số trên các nền tảng số góp phần truyền cảm hứng, trang bị kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, mở ra cơ hội cho mỗi người dân ở mọi miền đất nước hiểu rõ hơn về cách thức công nghệ số được ứng dụng vào các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, từ đó thay đổi cách họ sống, làm việc, kinh doanh, mua sắm và giải trí.

Cẩm nang Làng số sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông  định kỳ cập nhật, sửa đổi, bổ sung Cẩm nang Làng số bởi chuyển đổi số là một quá trình, cần liên tục điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn.

Bạn đọc có thể truy cập “Làng số” trên 3 nền tảng: Website, Facebook và Zalo. Địa chỉ truy cập là https://langso.dx.gov.vn.

Phiên bản trên Facebook là https://www.facebook.com/lang.so.mic. Hoặc bạn đọc Truy cập vào website thư viện thành phố Tân Uyên tại địa chỉ http://thuvientanuyen.vn để tìm đọc tài liệu./

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

CÁC TIN KHÁC

THƯ VIỆN THÀNH PHỐ TÂN UYÊN

Địa chỉ : KP 4, Phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, Bình Dương

Số điện thoại: 0274 3641.110

Email: thuvientanuyen@gmail.com. Website: http://thuvientanuyen.vn