Liên kết website :

Số người truy cập: 103922
Đang online: 16
[ Đăng ngày: 10/10/2024 ]

Quý bạn đọc thân mến!

Một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là “Hiếu học và ham đọc sách”. Từ bao đời nay, truyền thống ấy đã góp phần hình thành trí tuệ, nhân cách và phong thái của người dân đất Việt. Nhìn lại lịch sử, các nhà hoạt động chính trị và các học giả lỗi lạc của nước nhà chúng ta có thể thấy họ đều là những người không ngừng quan tâm đến việc đọc sách và tự học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu đã tiếp nối và phát huy tinh thần ấy, truyền thống ấy. Bằng sự nỗ lực không ngừng tự học, tự tìm hiểu, nghiên cứu tinh hoa của nhân loại và dân tộc qua việc đọc sách báo, Người đã tìm ra con đường đi cho Cách mạng Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, kỷ nguyên đọc lập, tự do và hạnh phúc! Sinh thời, Người đã từng căn dặn: bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn.... Với Người, sách báo như người bạn đường tri kỷ. Tấm gương ham đọc sách và tự học qua sách báo của Người rất đáng để mỗi người trong chúng ta học hỏi, suy ngẫm, áp dụng và làm theo.

Với mong muốn nghiên cứu, tìm hiểu về tấm gương ham đọc sách và không ngừng tự học của Bác Hồ và một số nhà cách mạng, nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam tiêu biểu cho thời đại Hồ Chí Minh, từ đó góp phần lan tỏa chân dung những những con người xuất chúng ấy gắn liền với việc thực hiện học suốt đời và tự học qua sách báo đến đông đảo nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà đã dành nhiều tâm huyết đi sưu tầm các tư liệu, gặp gỡ nhiều bạn hữu, đồng nghiệp, các thư viện và đặc biệt là những thân nhân, những người đã gần gũi bên Bác Hồ, bên 8 nhân vật lỗi lạc tiêu do biểu cho các lĩnh vực đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình khoa học có giá trị với đất nước để biên soạn nên cuốn sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”. Sách được xuất bản vào năm 2017, do nhà xuất bản Thông tin và truyền thông ấn hành.      Nội dung sách gồm hai phần được trình bày qua 247 trang.
Ở phần 1, bằng nguồn tư liệu dồi dào và không ít tư liệu quý hiếm, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà giới thiệu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò tác dụng của sách báo, phương pháp đọc sách báo của Hồ Chủ tịch; các nguồn tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng; lợi ích trong việc sử dụng sức mạnh của báo chí, trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách báo ảnh hưởng đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Người như thế nào, sự chú trọng đặc biệt của Người trong việc khuyến đọc, xây dựng nơi đọc sách báo cho nhân dân ra sao, đồng thời tác giả còn giới thiệu quan điểm của Hồ Chủ tịch về tự học, tấm gương tự học với việc học viết báo, học ngoại ngữ của Người, cùng với đó là những kỷ niệm, những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch với học sinh, sinh viên về vấn đề học tập và đọc sách…

Tiếp nối những nội dung trên là phần 2, khắc hoạ chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của những nhà cách mạng, nhà khoa học lỗi lạc tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Đó là Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhà bác học Lương Định Của, nhà sử học Đào Duy Anh, bác sĩ Tôn Thất Tùng và giáo sư Hoàng Tụy. Chính nhờ tình yêu với sách, nghị lực vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để học và sáng tạo, họ đã đạt được những thành công nhất định. Từ một thầy giáo dạy lịch sử, với sự thông minh, tinh thần tự học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào thể hiện tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam; Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đào Duy Anh chú trọng việc tìm đến những tư liệu gốc kết hợp với điền dã; Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Nhà toán học Hoàng Tụy chú trọng việc đọc toàn diện để phát huy trí tưởng tượng, nuôi dưỡng sáng tạo, bồi dưỡng tâm hồn… Mỗi nhân vật, mỗi tấm gương ấy gắn liền với một câu chuyện chân thật và cảm động, khẳng định sự thành công và uyên bác lỗi lạc của họ gắn bó không rời với việc đọc sách và tự học từng giờ, cho đến hơi thở cuối cùng, càng làm sống động thêm tầm vóc vĩ đại, cao cả của họ.

Đọc “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”, chúng ta không chỉ thấy được tầm vóc của những nhân vật trong cuốn sách mà còn tự hào về một thế hệ nhiệt huyết với những con người bình dị, nỗ lực vươn lên thành những huyền thoại trong chiến đấu, lao động và học tập trong thời đại Hồ Chí Minh.

Cuốn sách thật sự là tư liệu tham khảo hữu ích về phương pháp đọc và tự học cho tất cả mọi người, chứa đựng những giá trị lịch sử, giá trị tư liệu vô cùng hữu ích qua đó cung cấp cho bạn đọc những tấm gương sáng để cùng soi chung. Soi để học, học để hành, mỗi người sẽ học được cách nuôi dưỡng và phát triển năng lực tự học qua sách báo, tư liệu, khả năng tư duy sáng tạo, làm cho cuộc sống của mình, của cộng đồng và của dân tộc trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời sách còn có ý nghĩa to lớn trong việc khơi nguồn, hun đúc thêm truyền thống hiếu học, ham đọc sách và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy phong trào phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập ở nước nhà hiện nay ngày càng mạnh mẽ.
Sách hiện có tại Thư viện thành phố. Trân trọng giới thiệu và phục vụ Quý bạn đọc!

CÁC TIN KHÁC

THƯ VIỆN THÀNH PHỐ TÂN UYÊN

Địa chỉ : KP 4, Phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, Bình Dương

Số điện thoại: 0274 3641.110

Email: thuvientanuyen@gmail.com. Website: http://thuvientanuyen.vn